>> 'Ông trùm' tình báo Iran và cuộc chiến với Mỹ
Trong đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Iran, "ông trùm" tình báo Iran - Thiếu tướng Qasem Soleimani - được coi là một trong những nhân vật lãnh đạo chủ chốt Ông Qasem Soleimani. Vào tháng 1/2012, tướng Soleimani - Chỉ huy lực lượng hải ngoại tinh nhuệ của Iran - có nhiều chuyến đi bí mật đến Damascus để gặp gỡ Tổng thống Basharal Assad của Syria. Theo thông tin từ các quan chức Mỹ và Arập qua cuộc hội đàm với Tổng thống Syria, tướng Soleimani đồng ý tăng cường sự hỗ trợ về quân sự cho nước này và tái khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa Iran và Syria. Mặc dù khó biết được chính xác hoạt động của người đứng đầu Cơ quan Tình báo Iran, nhưng vai trò của tướng Soleimani ở Syria là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông nằm trong số những nhân vật quan trọng điều khiển chính sách của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo giới quan chức Mỹ và Arab, Tướng Soleimani là người đề ra kế hoạch vũ trang cho chiến binh Shiite ở Iraq để quấy rối lực lượng Mỹ ở nước này trong nhiều năm qua. Israel từng công khai lên tiếng chỉ trích lực lượng Qods đứng đằng sau một chuỗi những vụ mưu sát nhằm vào các nhà ngoại giao của Israel, và giới quan chức Mỹ cũng không ngần ngại cáo buộc chính quyền Iran, đặc biệt là Qods - lực lượng binh sĩ và gián điệp tinh nhuệ của Soleimani có sứ mạng giám sát nỗ lực trợ giúp các nhóm đối đầu với Israel, bao gồm Hezbollah và Hamas. Tháng 10/2011, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội tướng Soleimani có vai trò trong mưu đồ đánh bom mưu sát Đại sứ Saudi Arabia tại một quán cà phê ở Washington D.C. Ngoài ra, người Mỹ cũng gán cho Qods với các âm mưu đánh bom ở Thái Lan, Ấn Độ và cả Azerbaijan. Mowwafak al-Rubaie - cựu cố vấn an ninh quốc gia Iran được diện kiến Soleimani 3 lần trong những năm gần đây - nhận định Soleimani là nhà tư tưởng chiến lược sâu sắc và cũng là người sẵn sàng tử vì đạo của chính quyền Iran. Qasem Soleimani thật sự là ai? Giới quan chức tình báo Mỹ và Anh so sánh vị tướng này với siêu điệp viên Xô VIết hư cấu Karla trong tiểu thuyết về Chiến tranh lạnh của nhà văn John le Carré. Cả hai đều là bậc thầy chơi cờ và đều có chung mục đích là đối đầu với Washington. Đầu năm 2008, tướng Soleimani gửi một thông điệp đến Chỉ huy các lực lượng Mỹ đóng ở Iraq lúc đó là tướng David Petraeus thông qua chính khách Ahmad Chalabi của Iraq, trong đó nhấn mạnh ông chính là người kiểm soát chính sách của Iran đối với Iraq, Liban, Gaza và Afghanistan. Theo nhận định của giới quan chức Mỹ và Trung Đông, tướng Soleimani đảm nhận nhiều vai trò như tổ chức chiến dịch tình báo, vạch ra đường lối cho chính sách đối ngoại, chỉ huy mặt trận và cả nhiệm vụ lên kế hoạch khủng bố. Richard Clarke, chuyên gia chống khủng bố từng làm dưới thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, cho rằng Soleimani đứng đằng sau mọi hoạt động bí mật của Qods Force cũng như nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Iran ra khu vực Trung Đông. Qasem Soleimani xuất thân từ gia đình nghèo khó ở tỉnh Kerman phía đông nam Iran, nơi mà chính quyền trung ương không đọ nổi sức mạnh của các bộ tộc địa phương. Trước khi gia nhập lực lượng Vệ binh Cách mạng và sau đó là Qods, Soleimani chỉ là một công nhân xây dựng bình thường. Trong thời gian phục vụ Qods, chàng thanh niên Soleimani chiến đấu chống bọn buôn lậu ma túy và chính quyền Taliban ở Afghanistan. Vào cuối thập niên 1990, Soleimani nắm quyền lãnh đạo Qods sau khi gây dựng được tiếng tăm trong cuộc chiến Iran - Iraq (1980-1988) - theo Ali Alfoneh, nhà nghiên cứu về Soleimani thuộc Viện Kinh tế Mỹ ở Washington. Nhiều tháng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Qasem Soleimani có tên trong danh sách những người trong Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran chủ trương hợp tác với Mỹ lật đổ chế độ Taliban. Sau đó, các nhà ngoại giao Mỹ và Iran thường xuyên gặp nhau để bàn bạc kế hoạch đưa Hamid Karzai lên nắm quyền lực ở Afghanistan. Nhưng Soleimani chỉ hợp tác với phương Tây nếu điều đó đem lại các lợi ích cho Tehran. Bắt đầu đối đầu Nhưng quan hệ đồng minh mỏng manh giữa Mỹ và Iran bắt đầu sụp đổ sau khi lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công Iraq năm 2003. Washington và Tehran cùng nhìn thấy Saddam Hussein là mối đe dọa, song cả hai có quan điểm rất khác nhau về Iraq. Iran muốn Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi Iraq và dựng lên một chính quyền tạm thời do người Shiite và người Kurd thân Tehran lãnh đạo, song lực lượng Mỹ lại tiếp tục chiếm đóng nước này suốt 7 năm sau đó. Đầu năm 2004, tình báo Mỹ và Iraq phát hiện những chiến binh vượt biên giới phía đông nam Iraq để vào Iran nhận sự huấn luyện của Qods và điệp viên Hezbollah. Giới quan chức Mỹ lúc đó bộc lộ sự thất vọng khi thấy nhiều đồng minh của họ bên trong Iraq - gồm cả Tổng thống Jalal Talabani của Iraq - duy trì mối quan hệ khăng khít với tướng Qasem Soleimani. Trong thời gian đó các đồng minh người Iraq và Hezbollah của tướng Soleimani đã xung đột trực tiếp với lực lượng Mỹ ở Iraq. Tháng 1/2007, 4 lính Mỹ bị bắt và bị hành hình tại thành phố Karbala, miền Trung Iraq trong một chiến dịch mà Lầu Năm Góc tin là có sự phối hợp của Qods, Hezbollah và chiến binh người Iraq. Syria, mặt trận mới của Soleimani Trung tâm của mối xung đột gay gắt giữa Mỹ và Iran hiện nay là Syria, với Tổng thống Basharal Assad là đồng minh thân thiết nhất của Tehran. Giới quan chức ở Washington tin rằng, một khi chế độ Assad sụp đổ thì Iran sẽ bị yếu đi một phần và mất con đường hỗ trợ vũ trang cho đồng minh ở Liban và vùng lãnh thổ Palestine. Chính quyền Barack Obama cũng hy vọng biến động ở Syria sẽ giúp nhen nhóm lại phong trào đối kháng ở Iran vốn bị lực lượng an ninh Tehran dập tắt vào năm 2009. Qods hiện diện từ lâu ở Damascus để vũ trang cho Hezbollah và Hamas. Qods của Qasem Soleimani cũng đang tăng cường những chuyến hàng chở vũ khí và pháo đến hỗ trợ cho chính quyền Assad. Một số vũ khí được vận chuyển vào Syria bằng máy bay Illuyshin của Qods, theo nguồn tình báo Mỹ. Tiếp nối những người tiền nhiệm, Tổng thống Obama đang cố gắng loại bỏ sức mạnh của Qasem Soleimani để Mỹ mở rộng ảnh hưởng ra khắp khu vực Trung Đông. Bộ Tài chính Mỹ cũng đã 3 lần trừng phạt Soleimani. Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đang tìm cách ngăn cản Qods chuyển vũ khí vào Syria. Mới đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ đã có biện pháp trừng phạt Công ty Hàng không Yas Air của Iran do đơn vị này cung cấp phương tiện vận chuyển vũ khí đến Syria và được coi là nằm dưới sự kiểm soát của Qods. Nhưng người phát ngôn của Yas Air tuyên bố những chuyến bay của công ty luôn tuân thủ Luật Hàng không quốc tế. Tháng 10/2011, cựu điệp viên CIA Reuel Marc Gerecht làm chứng trước Quốc hội Mỹ rằng Qasem Soleimani có liên quan đến vụ mưu sát Đại sứ Saudi Arabia và cần bắt giữ hay giết chết người này. Đáp lại, Tehran kêu gọi cộng đồng quốc tế và Interpol phát lệnh bắt giữ Gerecht. Hơn 200 nhà lập pháp Iran đồng ký tên vào bản tuyên bố ủng hộ tướng Qasem Soleimani. Và trên trang mạng bằng tiếng Farsi (ngôn ngữ chính thức của Iran), các nhóm Iran phát động một chiến dịch bảo vệ Qasem Soleimani với khẩu hiệu: "Tất cả chúng tôi đều là Qasem Soleimani". |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét