>> Ấn Độ: Người khổng lồ chân đất?
Bất chấp việc Ấn Độ thử thành công tên lửa Agni-V, giới phân tích quân sự nước ngoài vẫn nghi ngờ khả năng tác chiến của quân đội nước này. Năng lực tác chiến của quân đội Ấn Độ vẫn là dấu hỏi lớn. Izvestia của Nga ngày 19/4 dẫn lời nhiều chuyên gia là tướng lĩnh quân đội cho rằng, tuy Ấn Độ dẫn đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí, nhưng trên thực tế, số lượng máy bay chiến đấu cũng như xe tăng của quân đội nước này rất khiêm tốn so với đòi hỏi của các cuộc chiến tranh hiện đại. Theo Izvestia, nội bộ trong giới quân nhân Ấn Độ vẫn chia rẽ sâu sắc sau tuyên bố của tướng Vijay Kumar Sing, Tư lệnh Lục quân, về khả năng tác chiến yếu kém quân đội nước này. Trung tuần tháng 4/2012, New Dehli đề nghị Ủy ban Nghị viện về quốc phòng tổ chức phiên điều trần, triệu tập lãnh đạo của tất cả 3 loại quân binh chủng, để tìm kiếm một lời giải đáp cho câu hỏi: vì sao một đất nước chiếm đến 9% lượng nhập khẩu vũ khí toàn thế giới, mà lại đứng trước những nghi vấn về khả năng chiến đấu của lực lượng quân đội? Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ là 32,5 tỷ USD. Trong 5 năm tới, New Delhi có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn, tới 50 tỷ USD, để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, phiên điều trần tưởng như “vô tiền khoáng hậu” đã phơi bày hàng loạt sự thật khiến giới chức New Dehli giật mình: Các kho vũ khí của Quân đội Ấn Độ thiếu thốn đạn dược một cách nghiêm trọng. Đáng chú ý, đạn dành cho xe tăng chỉ đủ cung cấp cho hoạt động chiến sự trong vòng 4 ngày, tức là ít hơn mức chuẩn cần thiết của tác chiến hiện đại tới 10 lần. Về không quân, trong số 42 phi đội tiêm kích hiện hoạt động chỉ có 34. Nhưng con số đó chưa phải chấn động, bởi đến cuối giai đoạn bắt đầu “Kế hoạch 5 năm lần thứ 12”, cơ số phi đội trong biên chế không quân Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 31. Báo cáo tại phiên điều trần cũng cho thấy, trong biên chế của Không quân Ấn Độ vẫn còn các loại máy bay chiến đấu lỗi thời và quá hạn sử dụng từ thời Xô Viết là MiG-21, MiG-27. Hiện Ấn Độ lên kế hoạch thay thế số máy bay trên bằng Su-30MKI, máy bay chiến đấu đa năng hạng trung của Pháp, cũng như các máy bay hạng nhẹ LCA do Ấn Độ sản xuất. Được chờ đợi hơn cả là phi cơ tiêm kích thế hệ thứ năm. Tuy nhiên, theo Izvestia, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới chỉ là dự án. Rất khó xác định thời điểm đưa những phi cơ hiện đại này được chuyển vào biên chế của lực lượng không quân. Tiềm lực quốc phòng chưa tương xứng với tham vọng của New Dehli. Tháng 3/2012, trong buổi điều trần trước quốc hội về ngân sách tài khóa 2012-2013, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, ông Pranab Mukherjee tuyên bố: New Dehli sẽ tăng 17% cho mua sắm quốc phòng, trong đó, 41% sẽ được sử dụng để mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại và vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế nhận định, trên thực tế, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ còn lớn hơn nhiều, bởi số liệu vừa được công bố chưa tính tới chương trình vũ khí hạt nhân, việc trả lương hưu cho quân nhân và các lực lượng bán quân sự. Ấn Độ đang nỗ lực thực hiện các hợp đồng mua sắm phương tiện quân sự hiện đại của Nga, Pháp, trong đó, ưu tiên tàu ngầm hạt nhân, máy bay và xe tăng hạng nặng. Ngoài ra, Ấn Độ cũng lên kế hoạch mua 145 khẩu pháo hạng nặng, 197 máy bay trực thăng chiến đấu và các loại vũ khí trang bị khác trong năm 2012. Theo đường hướng của New Dehli, cùng với phát triển kinh tế, tiềm lực quốc phòng hùng mạnh sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc xác lập vị thế một cường quốc của Ấn Độ tại khu vực. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony không dưới một lần thẳng thừng tuyên bố: New Dehli đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực quân sự để chuẩn bị cho những cuộc xung đột hạn chế dọc khu vực biên giới tranh chấp và để cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, theo nhận định của Rajeswari Pillai Rajagopalan, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Quỹ Nghiên cứu ở New Dehli, các nỗ lực hiện đại hóa lực lượng của Ấn Độ diễn ra rất chậm chạp. Cùng với sự thiếu hụt nghiêm trọng về khí tài và phương tiện tác chiến hiện đại, phải mất rất nhiều thời gian nữa, New Dehli mới có thể hy vọng đối đầu một cách sòng phẳng với Trung Quốc tại khu vực. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét