>> Chỉ vì Iran mà Israel bị cả thế giới ghét ?


Theo đuổi chiến lược ngăn chặn hạt nhân, Israel không ngừng kêu gọi tấn công Iran để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, đe dọa sự tồn vong của Nhà nước Do thái. Tuy nhiên, đã đến lúc Israel phải nghĩ đến chuyện sống chung với một nhà nước hạt nhân Iran.



>> Israel có tấn công Iran?
>> Các kịch bản xung đột Iran-Israel (kỳ 1)
>> Chiến tranh Iran - Israel gần kề?
>> Nếu Israel tấn công Iran: Khó đến mức nào?

Tư duy mâu thuẫn

Những năm 1960, Israel chủ trương phát triển khả năng hạt nhân với mục đích cuối cùng là đảm bảo an ninh. Trong trường hợp sự tồn vong của đất nước bị đe dọa, vũ khí hạt nhân sẽ là lựa chọn cuối cùng để Israel chống lại kẻ thù. Chiến lược này được gọi là “Lựa chọn Samson" – chiến lược răn đe bất cứ quốc gia nào có ý định tấn công đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước Do thái sẽ lãnh hậu quả là sự đáp trả quyết liệt bằng tên lửa, hạt nhân từ phía Israel.

"Lựa chọn Samson" được đặt theo tên một anh hùng trong kinh thánh của người Do thái, chấp nhận chết chung với kẻ thù bằng hành động giật sập ngôi đền Philistine.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, người Israel bị chi phối bởi niềm tin rằng bất cứ đối thủ nào của họ phát triển vũ khí hạt nhân cũng đều là mối đe dọa đối với sự tồn vong của Nhà nước Do thái và do đó, phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Niềm tin này là cơ sở để hình thành Học thuyết Begin với phát súng mở màn là sự kiện Thủ tướng Israel Menachem Begin quyết dùng vũ lực để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iraq năm 1981.



http://nghiadx.blogspot.com
Israel cho rằng bất cứ đối thủ nào của họ chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân đều là mối đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước Do thái nên phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Ảnh minh họa: bikyamasr.


Song một nghịch lý là: "Lựa chọn Samson” chủ trương tìm kiếm và phát triển các lợi thế tiềm năng cơ bản cho Israel để răn đe các kẻ thù sở hữu vũ khí hạt nhân của họ. Trong khi đó, Học thuyết Begin lại chủ trương ngăn chặn bất cứ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân nào từ các đối thủ của họ.

Cuộc tranh luận mãi vẫn chưa có hồi kết về chương trình hạt nhân của Iran rõ ràng đã làm lộ ra những mâu thuẫn trong tư duy chiến lược của Israel. Có vẻ như, Học thuyết Begin xuất phát từ việc Israel không tin tưởng vào khả năng ngăn chặn hạt nhân của họ.

Mặc dù “Lựa chọn Samson” của Israel ủng hộ cho Học thuyết Hủy diệt lẫn nhau (MAD) để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân giữa các quốc gia, giới lãnh đạo Israel ngày nay lại không tin vào chiến lược này. Họ cho rằng, việc để yên cho kẻ thù phát triển các khả năng hạt nhân chính là hành động “nối dáo cho giặc”, đẩy Israel vào tình thế nguy hiểm.

Cảm giác bất an, nỗi sợ hãi bị tấn công – kết quả của giả định rằng Nhà nước Do thái luôn phải chống chọi với các mối đe dọa sinh tồn – trở thành lý do để Israel tìm kiếm sự bảo đảm an ninh tuyệt đối. Cốt lõi trong chiến lược của người Israel chính là khái niệm rằng họ chỉ có thể tồn tại trong trường hợp họ giành được ưu thế vượt trội hơn kẻ thù về mặt quân sự. Do đó, Israel luôn muốn giữ thế độc quyền hạt nhân trong khu vực.

Điều này giải thích tại sao Israel tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân bí mật của Iraq năm 1981 và vào Syria năm 2007 nhằm bảo đảm thế độc quyền về khả năng hạt nhân của họ.

Trong khi chương trình hạt nhân là một chiến lược để tìm kiếm sự bảo đảm cuối cùng cho kịch bản ngày tận thế trong trường hợp tất cả kẻ thù liên minh lại với nhau và dốc toàn lực tấn công, đe dọa hủy diệt Nhà nước Do thái thì những đối thủ truyền thống của Israel lại chẳng màng đến chiến lược ngăn chặn hạt nhân của nước này.

Bằng chứng là, chiến lược ngăn chặn hạt nhân của Israel không ngăn được việc Syria và Ai Cập tấn công xâm lược Israel năm 1973 và việc Iraq phóng tên lửa vào lãnh thổ nước này năm 1991.

Ngoài ra, một bằng chứng dễ thấy nhất chính là tình trạng bạo lực leo thang liên tục ở dải Gaza dẫn đến việc Israel phải hứng chịu các trận mưa rocket do các nhóm vũ trang Hezbollah hoặc Hamas tiến hành nhằm vào các khu dân cư đông đúc của Nhà nước Do thái trong suốt thập kỷ qua. Đáng nói là, các nhóm vũ trang này tấn công chống lại Israel bất chấp việc nước này luôn là lực lượng chiếm ưu thế trên chiến trường.

Theo sử gia Avner Cohen, chương trình hạt nhân của Israel đã được khởi động mà không có những phân tích cẩn thận về các mục tiêu chiến lược lâu dài, cách thức áp dụng và các vấn đề liên quan khác đến khả năng răn đe của nó.

Càng cố chống Iran, Irael càng bị chán ghét

Thực tế là, ngày nay, phần lớn chiến lược gia của Israel theo đuổi Học thuyết Begin: ngăn chặn các đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân bằng mọi giá.

Tuy nhiên, việc kích động một cuộc chiến chống lại Cộng hòa Hồi giáo nhằm ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân chứng tỏ rằng Israel nghi ngờ khả năng ngăn chặn một nhà nước hạt nhân Iran theo như chiến lược hạt nhân của họ. Nói cách khác, họ không có đủ niềm tin vào chiến lược ngăn chặn hạt nhân - “Chọn lựa Samson” dựa trên Học thuyết hủy diệt lẫn nhau (MAD) bằng tên lửa, hạt nhân.

Không ít người mù quáng cho rằng giới lãnh đạo Iran - bị thúc đẩy bởi hệ tư tưởng tôn giáo cứu thế sai lầm – sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Israel, bất kể cái giá phải trả là gì.

Những người khác thì lại lập luận thậm chí, trong trường hợp các nhà hoạch định chính sách Iran là những người có lý trí, thì thế giới quan bí ẩn cộng với quan hệ lạnh nhạt với Israel có thể sẽ khiến Tehran, vì một hiểu nhầm nào đó mà có thể khởi động cho sự leo thang hạt nhân mang lại những hậu quả khôn lường.

Một lập luận phổ biến khác chống lại MAD xuất phát từ quan ngại Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến sự phổ biến loại vũ khí hủy diệt trên khắp Trung Đông.

Đáng bận tâm là, giới lãnh đạo Israel ngày nay cũng không ủng hộ MAD – cốt lõi của chiến lược “Chọn lựa Samson” của họ. Giới chức Israel cho rằng, để yên cho kẻ thù phát triển các khả năng hạt nhân chính là hành động “nối dáo cho giặc”, đẩy Israel vào thế nguy hiểm.

http://nghiadx.blogspot.com
Giới lãnh đạo Israel cho rằng để yên cho kẻ thù phát triển vũ khí hạt nhân là hành động "nối giáo cho giặc". Ảnh minh họa: news4u.

Điều này giải thích tại sao Israel tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân bí mật của Iraq năm 1981 và vào Syria năm 2007 nhằm để đảm bảo thế độc quyền về khả năng hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, hành động kích động cho một cuộc chiến chống lại Iran hiện nay của Israel cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và chỉ khiến hình ảnh của Nhà nước Do thái trong mắt cộng đồng quốc tế ngày càng xấu xí đi. Thậm chí, nó kích động tình cảm chống Nhà nước Do thái phổ biến rộng rãi hơn trên phạm vi thế giới. Nicky Larkin, một nhà làm phim người Ireland nhấn mạnh: “Chống Israel được coi là một phần bản sắc Ireland của chúng tôi, giống như việc chúng tôi ghét người Anh vậy”.

Thêm vào đó, cách đây không lâu, tờ Economist chạy bài xã luận tiêu đề “Nỗi ám ảnh Auschwitz”, cáo buộc căng thẳng và bất ổn ở Trung Đông mãi không dứt chính là do nỗi sợ hãi bị tấn công mù quáng của người Israel - sinh ra từ sau vụ tàn sát người Do thái thời Đức Quốc xã. Vì sợ hãi, Israel bị ám ảnh về một bóng ma hạt nhân Iran, do đó, biến Iran thành kẻ thù số 1 của họ. Bài xã luận “Nỗi ám ảnh Auschwitz” nhấn mạnh rằng “người Israel về mặt tâm lý đã chuyển căn nguyên gây ra nỗi lo sợ của họ vào một đối tượng không mấy liên quan: Iran”.

Nhưng trong khi một cuộc tấn công Iran sẽ khiến Israel đối mặt với không ít rủi ro, đe dọa đến sự tồn vong của họ, thì thực tế, chính phủ nước này còn phải đối mặt với câu hỏi quan trọng khác. Đó là liệu theo đuổi một cuộc tấn công nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo có thể chấm dứt khát vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của họ hay không.

Đây là câu hỏi mà Nhà nước Do thái cần phải trả lời trước khi đưa ra bất cứ hành động liều lĩnh nào. Đã đến lúc, Israel cần cân nhắc một cách nghiêm túc về việc sẽ tiếp tục ngăn chặn một nhà nước hạt nhân Iran hay sống chung với họ. Rõ ràng, nếu Học thuyết Begin thất bại, không còn cách nào khác Israel sẽ phải tính chuyện làm thế nào để sống chung với một nhà nước hạt nhân Iran.

Israel thề sẽ ngăn chặn Cộng hòa Hồi giáo đạt được giấc mơ hạt nhân nhưng có vẻ như họ lại chưa chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra nếu họ thất bại để đạt được mục tiêu này. Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách của Israel vẫn tránh thảo luận công khai để tìm ra chiến lược chung sống với một nhà nước hạt nhân Iran. Lý do là, họ sợ bàn về vấn đề này sẽ tác động tiêu cực đến chiến lược ngăn chặn hạt nhân của họ và gây ra sự lầm tưởng rằng họ chấp thuận để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, thực tế là, các cuộc tranh luận công khai về vấn đề này có khả năng sẽ làm tăng nhận thức và hiểu biết về việc làm thế nào để Israel có thể thực thi chiến lược ngăn chặn hạt nhân của họ hiệu quả nhất và để tránh bất cứ sự leo thang nguy hiểm nào liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, nó giúp điều chỉnh, xóa bỏ các mâu thuẫn trong chiến lược hạt nhân của nước này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét