>> "Không đầu hàng, chúng ta sẽ dùng vũ khí hạt nhân"
Nhiều người vẫn được nghe kể chuyện MiG-25R khuấy đảo bầu trời Tel Aviv (1973) bằng tốc độ siêu kinh hoàng Mach 3. Tuy nhiên, nguồn gốc phi vụ ấy lại ít được biết đến. Nhiều người vẫn còn nhớ như in cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962) đặt nhân loại trước bờ vực thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một cuộc khủng hoảng khác có nguy cơ biển thành thảm họa quy mô toàn cầu nếu không được ngăn chặn kịp thời. Đó là cuộc khủng hoảng Trung Đông, diễn ra cách đây vừa tròn 35 năm. Thời kỳ đối đầu giữa khối XHCN và TBCN đã được gọi tên là “Chiến tranh lạnh”. Sự đối đầu không chỉ diễn ra giữa Mỹ và Liên Xô mà còn ở những đất nước, hoặc những khu vực cách Moscow và Wasington rất xa. Trung Đông là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của bối cảnh địa chính trị như vậy. Israel ngủ quên sau chiến thắng Chiến thắng vang dội trước Quân đội Ai cập trong cuộc chiến tranh Sáu ngày (năm 1967) làm mê muội ban lãnh đạo cao cấp nhất của Israel, chính họ đã đi đến kết luận, người Arab đã mất khả năng tấn công và trong tương lai gần không có khả năng khôi phục lại lực lượng vũ trang của mình. Tâm lý say sưa với chiến thắng nhanh chóng chuyển sang tự mãn. Không ít các thông báo của các điệp viên về sự phục hồi nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Ai Cập bị cho là không chính xác, thậm chí còn bị coi là "thất bại chủ nghĩa". Israel giành được những vùng lãnh thổ rộng lớn sau cuộc chiến 6 ngày. (Phần lớn vùng đất này được trao trả trong giai đoạn 1975-1982). Thủ tướng Israel khi đó là bà Golda Meir, dưới sự bảo trợ của "ông anh" Mỹ, càng tin tưởng vững chắc vào khả năng bách chiến bách thắng của đất nước và bỏ qua các nguyên tắc của Niccolo Machiavelli, bậc thầy về ngoại giao bí mật thời trung cổ châu Âu. Theo đó, “Các chính trị gia của đất nước chiến bại có nhiều điểm chung với những đứa trẻ con: tự mình gây ồn ào để chứng minh, trong căn phòng của trẻ con mọi thứ đều theo trật tự, sự im lặng của chúng thường lại gây nên nghi ngờ”. Thật vậy, chính phủ của Nasser, và sau đó là Sadat, mặc dù mất bán đảo Sinai và mất kiểm soát kênh đào Suez, thậm chí không sử dụng diễn đàn Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để vận động cho quyền lợi của mình. Trong khi đó, các cố vấn tình báo Liên Xô tại Ai Cập đã phát triển một kế hoạch thông tin đánh lừa người Israel. Kể từ năm 1970, người Ai Cập đã bắt đầu triển khai kế hoạch. Mỗi ngày họ cung cấp cho các nhà báo phương Tây đang có mặt ở Cairo những thông tin sai lệch về tình hình quân đội, tình trạng tâm lý của binh sĩ, đặc biệt nhấn mạnh tới việc họ không có khả năng làm chủ và kiểm soát các trang thiết bị quân sự của Liên Xô. Mục đích của hoạt động kể trên là nhằm tạo cho ban lãnh đạo Israel sự hình dung sai lệch về mối nguy hiểm thật sự và thuyết phục người Israel tin rằng, người Arab cam chịu thất bại và sẽ hành động theo điều răn của Đấng tiên tri Mohammed: "Cứ ngồi trên bậc thềm nhà mình và hãy chờ đợi rằng, nước của con mương sẽ cuốn hết đi xác chết kẻ thù của bạn…" Người Ai Cập đã kiên trì "giả ốm đau" suốt 6 năm, để tới năm 1973, họ khôi phục hoàn toàn và trang bị thêm các vũ khí tấn công hiện đại nhất của Liên Xô. Cùng với đó, nhiều sĩ quan Liên Xô từng cố vấn tại Việt Nam, trực tiếp tham gia chỉ huy các đơn vị Quân đội Ai Cập. Tháng 9/1973 Giám đốc cơ quan tình báo quân sự Israel Elia Zeira bỏ qua thông tin tình báo về sự sẵn sàng báo thù của quân đội Ai Cập và Syria. Giám đốc CIA William Colby cũng có hành động tương tự như vậy, bất chấp thực tế là các vệ tinh quân sự ghi nhận sự di chuyển các đơn vị Quân đội Ai Cập tới biên giới Israel. "Không đầu hàng, chúng ta sẽ dùng vũ khí hạt nhân" Sáng ngày 5/10/1973 bắt đầu chiến dịch được hoạch định bởi các tướng lĩnh Ai Cập và Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Liên Xô dưới mật danh “Ubur” (băng qua thác nước). Quân đội Ai Cập vượt qua kênh đào Suez, còn Quân đội Syria tấn công các đơn vị Israel tại cao nguyên Golan. Cả hai đội quân tiến về Tel-Aviv và tạo thành gọng kìm bao vây chặt thủ đô của Israel. Không phải tình cờ mà ngày này được chọn làm ngày mở màn chiến dịch tấn công. Ngày 5/10 là ngày lễ truyền thống của người Do Thái (Day of Judgment – Ngày phán xét). Vào ngày này, tất cả tín đồ Do Thái chính giáo đều phải đến nhà thờ sám hối cho những tội lỗi đã gây ra trong năm. Nhờ nắm được yếu tố bất ngờ, quân đội Arab đã gây tổn thất lớn cho các đơn vị quân đội Israel: 3.000 binh lính và sĩ quan bị giết, hơn 900 xe tăng và khoảng 200 máy bay bị phá hủy. Đối với Israel đây là mất mát ngoài sức tưởng tượng về vật chất và nhân mạng. Cuộc chiến "Ngày phán xét" (Yom Kippur) năm 1973, Israel ở vào thế "lưỡng đầu thọ địch". Sau ba ngày giao tranh đẫm máu, con đường đã mở ra ở phía trước xe tăng Syria. Tình thế nguy cấp tới mức tại cuộc họp khẩn diễn ra tối ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan trong cơn hoảng loạn đã quay sang bà Thủ tướng Golda Meir với một đề nghị đầu hàng. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel, người mà người dân nước này mô tả: "Trong chính phủ có một người đàn ông, và ông là một người phụ nữ có tên là Golda", đã không tán thành vẻ sợ hãi của tướng Dayan. Sáng sớm ngày 8/10 tại một cuộc họp khẩn cấp, bà Thủ tướng công bố phán quyết cuối cùng: "Không đầu hàng. Chúng ta sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và phá hủy Cairo và Damascus". Thật vậy, lúc đó, trong tay Israel đã có 18 quả bom hạt nhân. Các Bộ trưởng hiểu rằng “người đàn bà thép” đã mất kiềm chế và không ai có thể thuyết phục bà ấy. Cả phòng họp im lặng như chết. Golda Meir lặng lẽ đánh giá sự im lặng của các đồng nghiệp của mình. Không một giây do dự, bà ra lệnh cho Tướng Moshe Dayan đặt toàn bộ kho vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Israel chưa bao giờ khẳng định sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng cũng chưa bao giờ ra tuyên bố phủ nhận khả năng này. Trong ảnh là biếm họa về kho vũ khí hạt nhân của Israel. Cũng trong ngày hôm đó, các chi nhánh tình báo của KGB và GRU (tình báo quân sự) tại Trung Đông từ các điệp viên có ảnh hưởng đã thâm nhập vào các tầng cao của chính quyền Israel, đã biết quyết định của Thủ tướng Meir. Ngày 10/10 Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng cộng sản Liên Xô tán thành “Kế hoạch hành động buộc Israel từ bỏ việc tiến hành tấn công hạt nhân” (Kế hoạch cưỡng bức) do Giám đốc KGB Iury Andropov đệ trình lên. Ngày 11/10, Tham tán công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Wasington Georgy Kornieko đã trao cho Ngoại trưởng Henry Kissinger thư của các nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng thế giới như: Iury Khariston, Yakova Zeldovicha, Iliy Vivshitsa, gửi tới Tổng thống Mỹ. Trong thư, các Viện sĩ Liên Xô gọi quyết định của Thủ tướng Israel là tự sát. Và nhấn mạnh, ném bom hạt nhân xuống Cairo và Damascus sẽ là thảm họa không chỉ cho Trung Đông mà còn cho toàn bộ nền văn minh thế giới. Các nhà khoa học cũng khéo léo ám chỉ rằng, Liên Xô có ràng buộc với Ai Cập và Syria về hợp tác quân sự, không ngồi nhìn và sẽ có biện pháp tương ứng với hành động tấn công hạt nhân của Israel. Đồng thời, họ nhấn mạnh, tất cả trách nhiệm về hậu quả của sự đáp trả tương ứng như vậy chính phủ Israel sẽ phải hứng chịu. Do chính quyền Mỹ nhiều lần trì hoãn thời hạn đưa ra câu trả lời, Ban lãnh đạo Liên Xô quyết định tiến hành “Kế hoạch cưỡng bức”. MiG-25 là một phần trong "kế hoạch cưỡng bức" của Liên Xô. Chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv Ngày 13/10/1973, Phó chỉ huy của trung đoàn không quân tiêm kích, Thiếu tá Vertievets, trực chiến đấu tại sở chỉ huy sân bay quân sự Vladimirovka tại tỉnh Volgograd. Lúc 6h15’, người mang thư hỏa tốc từ Bộ Tham mưu quân khu Privolzhsky trao cho viên Thiếu tá một túi hồ sơ được đóng dấu: “Mật. Mở ngay!”. MiG-25R trong một chuyến bay. 15 phút sau, Vertievets cùng người đưa thư và đội kỹ thuật đi vào nhà chứa máy bay, nơi để những chiếc máy bay chiến đấu mới nhất được bảo quản đặc biệt. Thiếu tá Vertievets nhanh chóng lên khoang lái và người đưa thư lại tiếp tục đưa cho anh ta một gói nữa có đóng dấu mật “Đặc biệt quan trọng. Tiêu hủy ngay sau khi đọc!” Vào lúc 8h12’, theo giờ địa phương, màn hình radar phòng không ở Tel Aviv xuất hiện một điểm sáng. Còi báo động bật liên hồi. Điểm sáng nhanh chóng di chuyển từ phía đông bắc sang khu vực phía tây nam, tiếp cận không phận của thành phố, và viên sĩ quan trực chiến ra lệnh đánh chặn kẻ xâm phạm vùng trời bằng một biên đội máy bay chiến đấu siêu âm Mirage. Giọng của người chỉ huy biên đội vang lên từ loa phóng thanh, ông ta chỉ thị cho kẻ xâm phạm phải hạ cánh. Đáp lại là sự im lặng. Lần tiếp theo, yêu cầu lại vang lên bằng tiếng Arab. Và đáp lại vẫn là sự im lặng và im lặng. Chỉ huy chuyển sang dùng tiếng Anh. Nhưng cũng không hiệu quả. Viên sĩ quan trực chiến theo dõi trên màn hình radar thấy rằng, ba chiếc Mirage đang di chuyển song song cùng hướng với kẻ xâm phạm. Nhưng tại sao họ không vượt lên trên? Quả thật, biên đội Mirage đang ở một số “tầng” thấp hơn đường bay của máy bay lạ, nhưng tại sao? Tại sao, cuối cùng, khoảng cách giữa biên đội ba chiếc Mirage với chiếc máy bay lạ kia cứ tăng lên sau mỗi giây? Điều này có nghĩa là các đặc tính bay lạ tốt hơn nhiều so với Mirage? “Chết tiệt! – viên chỉ huy biên đội bay hét lên, chúng tôi không bắt được nó. Nó bay trên chúng tôi 6.000 feet ... và di chuyển nhanh gấp 2 lần!” Tiếp theo trên màn hình xuất hiện những màu sọc trắng: hình ảnh biên đội Mirage bắn tên lửa không đối không Hokami. Nhưng tất cả tên lửa bắn ra đều biến mất vào chân trời màu xanh, không tiêu diệt được mục tiêu, trong khi nó bung ra tốc độ đáng kinh ngạc, đạt đến độ cao 69.000 feet. Không ! Nó lại quay trở lại lần nữa ! Nó đang tạo ra một, hai, ba ... (!) sáu vòng tròn trên bầu trời thành phố - đây là chuyện hoang đường chăng! Và nó không sợ bị bắn hạ! Sĩ quan trực chiến yêu cầu thêm một biên đội Phantom lên trợ giúp biên đội Mirage đang tỏ ra bất lực. Than ôi! Không có bất kỳ chiếc Phantom hay tên lửa nào của nó có thể “bắt được” máy chiếc bay lạ kia... Bắt được gì đây? Thậm chí không biết phải gọi tên chiếc máy bay đó là gì? Nó là một vật thể bay chuyển động ngoài giới hạn của tốc độ và đạt đến độ cao đáng kinh ngạc. Liệu đây có phải là một chiếc máy bay hay là một UFO? Nếu những suy luận trên là đúng thì nó từ đâu đến? Người Arab cho đến thời điểm này không thể có được cỗ máy tương tự. Như vậy có nghĩa là nó đến từ Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã tới gặp Thủ tướng Meir cùng với một báo cáo về “sự cố” trên bầu trời Tel Aviv, và bắt gặp bà Thủ tướng đang đọc lá thư của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô. Sau khi nghe Tướng Dayan báo cáo, bà Golda Meir ngay lập tức hiểu ra, những sự kiện này, lá thư và cuộc xâm nhập của chiếc máy bay lạ, thực chất là một vở kịch mà đạo diễn chính là Moscow. Golda Meir, "người đàn bà thép" của Nhà nước Do Thái. “Người đàn thép” buộc phải “điều chỉnh lại cuộc hành quân”. Bà Thủ tướng yêu cầu Ngoại trưởng Henry Kissinger và các quan chức cấp cao Mỹ tăng viện trợ quân sự bổ sung. Kết quả, dưới những áp lực lớn của các cuộc vận động hành lang của giới lobby Do Thái ở Washington đã tác động tới Tổng thống Nixon và một “cầu hàng không” giữa Mỹ và Tel Aviv đã được thiết lập ngay lập tức. Nhờ vậy, Israel nhanh chóng có các thiết bị quân sự mới nhất, gồm máy bay, xe tăng và tên lửa... Các công ty Mỹ thuộc sở hữu của người Do Thái, trong vòng một tuần đã đầu tư vào nền kinh tế Israel 2,5 tỉ USD. Đồng thời, các nhà ngoại giao Israel bắt đầu "làm việc" với Vua Jordan Hussein và Vua Morocco Hassan II, để thông qua họ thuyết phục ban lãnh đạo Ai Cập và Syria ký kết một hiệp ước đình chiến. Đối mặt với thất bại thực tế của Israel trong cuộc chiến "Ngày phán xét", Kissinger đã thực hiện một nỗ lực vô cùng lớn để cứu vãn Tel Aviv ít nhất không phải đầu hàng nhục nhã. Ông đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột, tìm kiếm loại bỏ các lực lượng Ai Cập và Syria và tạo ra một vùng đệm với Israel. Tuy nhiên, sáng kiến của ông không nhận được sự ủng hộ của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo yêu cầu của các nhà ngoại giao Liên Xô, một nghị quyết về thành lập lực lượng khẩn cấp sẽ tạo nên một khu vực tách biệt giữa các đơn vị quân đội Ai Cập và Israel, đã được thông qua. Vụ xâm nhập của vật thể bay bí ẩn trên bầu trời Tel Aviv, không chỉ làm tan vỡ huyền thoại bách chiến bách thắng của Israel, mà còn buộc bà Golda Meir từ bỏ sử dụng đòn tấn công nguyên tử vào Thủ đô của Ai Cập và Syria. Vào tháng 4/1974, "người đàn bà thép" Meir và Dayan đã buộc phải ra đi sau thất bại tại cuộc bầu cử. Sau đó không lâu, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Israel Zeir Elia cũng mất chức. MiG-25R là sản phẩm trí tuệ của Cục Thiết kế Mikoyan và Gurevich, đến cuối thập niên 1970, nó đã vượt qua tất cả các đối thủ cùng loại trên thế giới. Trần bay thực tế là 23 km, tốc độ - 3.600 km/h, gần ba lần tốc độ âm thanh (Mach 3). Như vậy, máy bay chiến đấu của Liên Xô hoàn toàn nằm ngoài tầm với của máy bay tiêm kích đánh chặn và hệ thống phòng không của đối phương! Năm 1973, Alexander Danilovich Vertievets, người đã thực hiện chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv, đã được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét