>> Truyền thống hải quân Nhật
Cũng giống như người Anh, người Nhật sống trên những hòn đảo nên bản chất đã luôn khát khao vượt biển, tìm đường vào đất liền, vươn thật xa càng tốt. >> Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương >> Với Hải quân Nhật, TSB Trung Quốc chỉ là "quan tài sắt" ? Tàu chiến Nhật trên cảng Marseille (Pháp) năm 1917- Ảnh tư liệu Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh rồi ở Nhật càng thúc hối các “dân đảo” này đi xa hơn nữa để tìm kiếm nguyên liệu cho các nhà máy của mình. Tuy bước vào cuộc cách mạng công nghiệp sau, chỉ từ trào Minh Trị thiên hoàng, song người Nhật đã nhanh chóng bắt kịp làn sóng công nghiệp do họ có đầu óc tìm tòi sáng chế hơn là bắt chước sao chép. Chính điều đó đã tạo thành truyền thống của hải quân Nhật. Mở cửa, mở mắt... Phát minh đáng kể đầu tiên của người Nhật trong lĩnh vực hải quân là bọc sắt vỏ tàu. Ngay từ năm 1576, tướng quân Oda Nobunaga đã lần đầu tiên trên thế giới bọc sắt các con tàu của mình. Từ đó sinh ra khái niệm thiết giáp hạm (cuirassé). Chiếc Date Maru là chiến hạm xuyên đại dương đầu tiên của Nhật đóng năm 1613 để sau đó lên đường sang châu Mỹ rồi sang châu Âu vào năm 1614. Tiếc thay sau đó nước Nhật bế quan tỏa cảng trong hơn 200 năm, sợ “làn gió độc“ phương Tây và Thiên Chúa giáo tràn vào, thậm chí cấm cả đóng tàu vượt đại dương. Đến năm 1853-1854, người Nhật khi mở cửa giao thương trở lại, hốt hoảng thấy tàu của mình chạy bằng buồm, còn tàu của phương Tây chạy bằng hơi nước sao mà nhanh quá, tự chủ quá... Ngay lập tức người Nhật cho đóng chiếc tàu hơi nước của mình, chiếc Kanrin Maru, với sự trợ giúp của các kỹ sư Hà Lan, đóng xong năm 1857. Năm 1860, chiếc tàu này vượt Thái Bình Dương sang đến San Francisco (Mỹ) và được dùng làm trụ sở Đại sứ quán Nhật tại Mỹ. Kinh nghiệm đóng tàu hơi nước của Nhật bắt đầu từ đó. Chiếc tàu hơi nước đầu tiên do Nhật tự đóng là chiếc Chiyoda, hoàn tất năm 1863. Năm 1865, Nhật thuê kỹ sư đóng tàu người Pháp Léonce Verny thành lập các hải quân công xưởng hiện đại đầu tiên của mình tại Yokosuka và Nagasaki. Năm 1869, người Nhật cho hạ thủy chiếc Kotetsu - đây là chiến hạm bọc sắt chạy bằng hơi nước đầu tiên do Nhật tự đóng. Không chỉ học kỹ thuật đóng tàu hơi nước, người Nhật còn đôn đáo khắp nơi tìm học kỹ thuật hải hành và tác chiến trên biển. Năm 1867, một phái bộ hải quân Anh do đại úy Tracey dẫn đầu hỗ trợ mở trường hải quân ở Tsukiji. Bên cạnh đó, một số sĩ quan được cử sang Hà Lan theo học trong các học viện hải quân. Đô đốc Takeaki Enomoto, từng theo học ở Hà Lan những năm từ 1862-1867; nhiều đô đốc hải quân khác như Heihachiro Togo, Yamamoto Isoroku... cũng từng xuất dương du học. “Nhật Bản biển khơi” Tháng 7-1869, hải quân Hoàng gia Nhật chính thức ra đời dưới trào Minh Trị thiên hoàng, nhiệm vụ ban đầu chủ yếu là phòng vệ duyên hải. Năm 1882, vua Minh Trị ra sắc lệnh phát triển hải quân, cho đóng mới 48 chiến hạm, trong đó có 22 ngư lôi hạm xuất phát từ trung tâm đào tạo phóng lôi ở Yokosuka năm 1886. Năm 1885, hải quân Nhật tung ra khẩu hiệu Kaikoku Nippon (Nhật Bản biển khơi) cùng lúc đóng mới một lúc hơn 20 khu trục hạm trang bị đại pháo 320 li, sau đó là một loạt tuần dương hạm. Với một lực lượng hải quân được chuẩn bị về con người và về tàu bè hiện đại như thế, Nhật Bản đã giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát Triều Tiên năm 1894 với Trung Quốc. Trận đánh ở cửa sông Yalu ngày 17-9-1894 đã đốt cháy 8/12 tàu chiến của hải quân nhà Thanh, sau đó nhà Thanh dâng các đảo Đài Loan và Pescadores cho Nhật mà mãi sau khi bại trận Thế chiến thứ nhì người Nhật mới từ bỏ. Sau trận này, hải quân Nhật tăng cường lực lượng để 10 năm sau lao vào chiến tranh với Nga (1904-1905) và kết liễu bằng trận Tsushima, qua đó 21/38 tàu chiến của Nga bị đánh chìm, bảy chiếc bị “bắt sống”, sáu chiếc bị tước vũ khí, 4.545 thủy thủ Nga tử trận, 6.106 người bị bắt làm tù binh, trong khi phía Nhật chỉ mất 116 người và ba ngư lôi đỉnh. Điểm độc đáo trong trận này là tàu hải quân Nhật đã lần đầu tiên sử dụng vô tuyến điện để liên lạc với nhau. Sau trận này Nga mất hẳn chỗ đứng ở Đông Á. Trong cùng thời gian đó, Nhật ráo riết phát triển lực lượng tàu ngầm từ năm 1905, sau hải quân Mỹ bốn năm. Trong tính toán của nhà chiến lược hải quân Sato Tetsutaro, cuộc đụng độ tới đây của hải quân Nhật sẽ là với hải quân Mỹ, nên hải quân Nhật ít nhất phải mạnh bằng 70% hải quân Mỹ. Trong khi chờ đợi, hãy cứ gia nhập liên quân đồng minh trong Thế chiến thứ nhất trước đã. Tham chiến tận Địa Trung Hải Tháng 9-1914, tàu chở máy bay Wakamiya phóng đi phi vụ tấn công đầu tiên trong lịch sử hải quân thế giới trong trận đánh căn cứ hải quân Đức tại Tsingtao. Các máy bay của tàu này đã oanh kích trung tâm truyền tin và chỉ huy, đánh hỏng một tàu quét mìn của Đức. Cùng lúc đó, một chiến đoàn hải quân Nhật được phái xuống trung bộ Thái Bình Dương đuổi theo hải đội Đông Á của Đức, buộc tàu Đức phải quẹo xuống nam Đại Tây Dương nơi đó bị hải quân Anh đợi sẵn và đánh tan ở quần đảo Falkland (từ đó thuộc về Anh luôn). Hải quân Nhật cũng chiếm được nhóm đảo Mariana, Carolina và Marshall trên Thái Bình Dương. Các chiến thắng đó mới chỉ là món “khai vị” đối với hải quân Nhật. Khi Thế chiến thứ nhất bước vào năm thứ nhì, hải quân Anh phải căng lực lượng ra chống trả hải quân Đức trên khắp chiến trường châu Âu, đặc biệt mệt mỏi vì chiến thuật tấn công bằng tàu ngầm của hải quân Đức, bèn yêu cầu Nhật cho mượn bốn khu trục hạm mới đóng xong là các chiếc Kongo, Hiei, Haruna và Kirishima với hi vọng các khẩu đại pháo 356 li của các tàu này, lớn nhất thế giới vào lúc đó, sẽ tạo ưu thế tác xạ cho hải quân Anh. Nhật từ chối cho mượn tàu, song đồng ý phái một hải đội gồm tám tuần dương hạm mới đóng xong (các chiếc Ume, Kusunoki, Kaede, Katsura, Kashiwa, Matsu, Sugi và Sakaki) cùng một khu trục hạm, chiếc Akashi, sang tham gia chiến đấu trên Địa Trung Hải. Đây là một quyết định đầy ý đồ và tham vọng. Tháng 3-1917, một hải đội gồm chín tàu chiến Nhật lần đầu tiên ngang dọc Địa Trung Hải, hộ tống tàu vận tải đồng minh. Ba tháng sau, bốn tuần dương hạm khác sang bổ sung (các chiếc Kashi, Hinoki, Momo và Yanagi), khu trục hạm Akashi về nước thay thế bởi khu trục hạm Izumo. Trong suốt chiến dịch hộ tống chống tàu ngầm này, hạm đội Nhật đã hộ tống 788 lượt tàu vận tải đồng minh, không phải không đổ máu: tuần dương hạm Sakaki trúng ngư lôi của một tàu ngầm Áo (cùng phe với Đức), 59 thủy thủ thiệt mạng. Sau thế chiến, Nhật được chia bảy tàu ngầm Đức, mang về “banh ra” xem xét từng chi tiết cho công nghiệp đóng tàu ngầm của mình. Chiến dịch Địa Trung Hải cho thấy quy mô và đẳng cấp của hải quân Nhật trong Thế chiến thứ nhất. Tại sao Nhật không cho Anh mượn tàu mà lại phái cả hạm đội sang tham chiến? Vì nghĩa đồng minh hay vì đó là cơ hội bằng vàng để vừa học chống tàu ngầm vừa “nắm tẩy” hải quân đồng minh, nhất là hải quân Anh? Chừng đó con tàu cùng hạm trưởng, hạm phó, sĩ quan, thủy thủ trở về sẽ là kho tàng kinh nghiệm chiến đấu cho hải quân Nhật trong một tham vọng lớn hơn: đánh bại hải quân Mỹ, như dự kiến của nhà chiến lược hải quân Sato Tetsutaro, trở thành bá chủ Thái Bình Dương, thôn tính cả Đông Á. Bằng việc chuẩn bị kỹ càng như vậy, hải quân Nhật đã liên tục giành chiến thắng trong những cuộc hải chiến lẫy lừng trên biển... |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét