>> Trung Quốc sẽ bắt tay Mỹ?
Chiến lược trở lại châu Á của Mỹ đang tạo ra những đợt sóng xung động nhất định tại khu vực. Có lẽ, quốc gia “đứng ngồi không yên” chính là Trung Quốc. Liệu quốc gia tỷ dân này sẽ chọn phương án đối đầu hay hợp tác với người Mỹ? >> HQ Trung Quốc xưng bá ở Thái Bình Dương đâu có dễ Coi Biển Đông là lợi ích quốc gia, song Mỹ đang tỏ ra thận trọng trước các tranh chấp trong khu vực Người Mỹ rút vào sau cánh gà Trở lại châu Á được coi là trọng tâm trong của Mỹ kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền. Trong hai năm trở lại đây, những tuyên bố trực tiếp cộng với những hành động cụ thể đã chứng tỏ người Mỹ đang ráo riết trở lại khu vực chiến lược này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Mỹ lại thể hiện một thái độ “rất lạ” mà giới phân tích cho rằng “ông lớn” này đang muốn rút lui từ sân khấu chính về sau cánh gà. Nhận định này hoàn toàn có lý dựa trên sự phân tích các động thái mới đây của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton từng tuyên bố Mỹ đã trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả trong vấn đề rất “nóng” này, Mỹ cũng tỏ thái độ “trung lập” hiếm thấy. Trong chuyến thăm mới đây của Tông thống Philippines Aquino tới Mỹ, ông Obama đã tỏ ra hết sức thận trọng khi tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, nước đang trong trạng thái “đối đầu” với Philippines xung quanh việc tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton trong cuộc gặp với ông Aquino cũng “thẳng thắn” tuyên bố Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông. Bên cạnh đó, bà Hilary Clinton cũng cho biết Mỹ luôn phản đối việc dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để theo đuổi chủ quyền. Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nhấn mạnh Mỹ sẽ can dự nhiều hơn thông qua xây dựng lòng tin và giảm bớt hiểu nhầm. Đây chính là một trong những điểm quan trọng trong chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Trung Quốc phải "chầu rìa" cuộc tập trận RIMPAC 2012 Đặc biệt, trong cuộc tập trận chung mang tên “Vành đai Thái Bình Dương 2012” (RIMPAC 2012), diễn ra từ cuối tháng 6 tới tháng 8/2012, Mỹ đã từ nguyện từ bỏ “vai diễn” chính. Năm nay, ngoài vị trí tổng chỉ huy, Mỹ đã nhường các vai trò chỉ huy then chốt khác lần lượt cho Canada, Nhật Bản và Australia. Cuộc tập trận RIMPAC 2012 kéo dài 55 ngày với 22 nước tham gia. Cuộc tập trận này lôi kéo gần như toàn bộ lực lượng trên biển của khắp các nước ở khu vực Thái Bình Dương tham gia với mục đích là đối phó với “khả năng đe dọa khu vực”. Dù có vai trò quan trọng trong khu vực nhưng Trung Quốc lại phải đứng “chầu rìa” khi không được mời tham dự. Điều này chứng tỏ, Trung Quốc vẫn là một mục tiêu tiềm tàng. Tuy nhiên, việc từ bỏ quyền chỉ huy then chốt mà Mỹ vẫn giữ trong các cuộc tập trận RIMPAC trước đây cho thấy Mỹ muốn né một Trung Quốc đang muốn trỗi dậy. Chỉ thay đổi cách thức Tuy nhiên, việc rút lui vào sau cánh gà không có nghĩa là Mỹ từ bỏ các mục tiêu đã đặt ra. Chẳng qua, đây chỉ là sự điều chỉnh cách thức thực hiện của Mỹ. Thay vì trắng trợn tiến hành một cuộc chiến quân sự thì giờ đây Mỹ nhẹ nhàng đặt những bước chân theo kế hoạch đã định để móc nối vào kết cấu chung của khu vực. Không những thế, có lẽ người Mỹ cũng không loại trừ mục tiêu làm “lãnh đạo” của kết cấu đó. Đã từ lâu, người Mỹ thể hiện sự “thèm khát” đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực trải rộng từ Ấn Độ Dương tới bờ Tây nước Mỹ chiếm một nửa diện tích thế giới và có dân số gần 2 tỷ người. Khu vực này hiện cũng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới và thể hiện sự năng động đầy sức sống. Trong thời buổi khủng hoảng này, Mỹ không thể bỏ qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy rút về sau cánh gà, song Mỹ vẫn tiếp tục chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương và đã thiết lập được "vòng vây" siết chặt Trung Quốc Mỹ trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phải để tham gia vào cuộc chơi mà muốn lãnh đạo cuộc chơi đó trên mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, ngoại giao cho tới quân sự. Để làm được điều này, người Mỹ đã đề ra 6 phương châm hành động gồm: tăng cường liên minh an ninh song phương; làm sâu sắc hóa quan hệ hợp tác với các nước mới nổi, gồm cả Trung Quốc; tham dự vào cơ cấu đa phương mang tính khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; tạo dựng sự hiện diện quân sự có cơ sở rộng khắp; thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Trong hai năm qua, chiến lược trở lại châu Á của Mỹ đang được thực hiện theo đúng kế hoạch đã vạch ra. Các mối quan hệ đồng minh truyền thống với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Thái Lan được củng cố và tăng cường. Mỹ đã thiết lập được một hệ thống căn cứ vững chắc bao vây Trung Quốc. Về mặt quân sự, Mỹ đã tăng tốc dịch chuyển chiến lược về phía Đông. Trong điểm bố trí quân sự được chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã công khai, trong những năm tới sẽ bố trí 60% lực lượng hải quân tại khu vực này. Lựa chọn nào cho Trung Quốc? Trước các toan tính và bước đi của Mỹ, Trung Quốc thể khoanh tay ngồi nhìn. Nếu cứ mặc kệ để người Mỹ lấn sân trong khu vực mà Trung Quốc vốn được coi là “ông kẹ” thì Trung Quốc sớm hay muộn cũng bị chèn ép. Tuy nhiên, đối đầu trực diện với Mỹ là lựa chọn chẳng khôn ngoan gì với người Trung Quốc. Vậy lựa chọn còn lại là bắt tay với Mỹ. Bắt tay không có nghĩa là đồng minh của nhau. Trên thực tế, các đối thủ của nhau vẫn có thể có những cái bắt tay “nồng ấm”. Chiến lược và mục tiêu của Mỹ tại khu vực đã phần nào được công khai và sáng tỏ. Còn Trung Quốc, tuy luôn nói về cái gọi là an ninh và sự phát triển của khu vực, song không che giấu được tham vọng ngày càng lộ rõ của mình. Trung Quốc không những không muốn mất đi tiếng nói và sức ảnh hưởng trong khu vực, mà còn muốn giành quyền lãnh đạo khu vực. Trung Quốc không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự, song đối đầu với Mỹ không phải là lựa chọn khôn ngoan trước mắt Các bước đi thời gian qua cho thấy Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ. Đó là tuyên bố của ông Tập Cận Bình về việc “mở rộng hai bờ Thái Bình Dương đủ không gian dung nạp hai nước lớn Trung-Mỹ”. Đó là quan hệ Mỹ-Trung theo kiểu C2 mà phía Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ hồi tháng 5 vừa qua. Mối quan hệ này có thể được hiểu là quan hệ hợp tác, phối hợp và mang tính cộng đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi hai bên từ bỏ lối suy nghĩ lỗi thời rằng các cường quốc chắc chắn phải có quan hệ đối lập. Các học giả Trung Quốc cũng kêu gọi hai nước Trung-Mỹ hợp tác để “cùng nhau tiến bước”. Theo đó, việc Trung Quốc và Mỹ cùng tồn tại hòa bình trong khung kết cấu của châu Á-Thái Bình Dương là điều hoàn toàn hiện thực. Xét toàn cục, một cuộc đối đầu trực diện Mỹ-Trung sẽ chưa thể xảy ra trong tương lai gần. Cả Mỹ và Trung Quốc đều cần một khoảng lặng. Chính trong khoảng lặng này, hai “ông lớn” có thể bắt tay nhau, hợp tác trong thế đối đầu. (Nguồn :: Báo Phụ Nữ VN ) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét