>> Khi Việt Nam rút "kiếm khỏi vỏ" ?
Bình tĩnh, sáng suốt, để làm chủ tình hình. Kiên quyết, khôn khéo, không khoan nhượng, dù phải hy sinh nhiều của, nhiều người khi bảo vệ quyền lợi tối thượng: Chủ quyền và toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc trước bất kỳ kẻ thù nào. >> Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của CS Biển Việt Nam Đội tàu cá theo kiểu liên hoành ngang ngược của Trung Quốc Hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông có thể nói rất ngang ngược và nguy hiểm, thách thức đến an ninh chủ quyền toàn vẹn lãnh hải của các quốc gia ven biển ĐNA nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngang ngược, bởi Trung Quốc bất chấp tất cả luật lệ quốc tế, cậy thế nước lớn đe dọa sử dụng vũ lực…nhằm thực hiện âm mưu bành trướng của mình. Nguy hiểm, bởi hành động của Trung Quốc là hành động thực dân, xâm phạm đến chủ quyền, lãnh hải – điều thiêng liêng của bất kỳ quốc gia nào, nguyên nhân trực tiếp gây nên xung đột quân sự, chiến tranh tàn khốc, ảnh hưởng đến hòa bình khu vực. Chúng ta không như Trung Quốc trong vụ tranh chấp Philipines khi cho rằng Philipines “bắt nạt” và cũng không như Philipines hô to lên rằng quân khu này, hạm đội kia sẵn sàng đợi lệnh. Và hiện nay khi biết 30 tàu cá Trung Quốc ra Trường Sa, Philipines cũng hô lên “Hải quân sẵn sàng đợi lệnh”… Việt Nam không như vậy. Trước một tình thế hiểm nghèo, ông cha ta đã dạy “Khoan vội rút kiếm ra khỏi vỏ mà trước tiên phải biết kẻ thù là ai, từ đâu tới, chúng muốn gì và bằng cách nào”? Đó chính là bản lĩnh dày dạn của Việt Nam được tôi luyện qua các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ác liệt nhất, trước những đối thủ hùng mạnh nhất như Nguyên Mông rồi Pháp và sau đó là Mỹ…Đó chính là sự bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo của cái đầu lạnh để làm chủ tình hình, làm chủ tình huống, với một trái tim nóng sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Kẻ thù là ai? Chúng từ đâu đến? Không nói, ngay một người dân Việt Nam bình thường cũng đã xác định. Âm mưu chiến lược của kẻ thù có thể biết dễ dàng, nhưng sách lược, thủ đoạn, tính chất, mức độ các giai đoạn thực hiện, biết được là rất khó. Bởi thế, “biết được chúng muốn gì và bằng cách nào” là coi như ta làm chủ được tình hình. Khi làm chủ được tình hình thì không sợ, không bất ngờ trước bất kỳ tình huống nào xảy ra. Biển Đông, Trung Quốc đã khuấy động, đưa Việt Nam, Philipines vào một tình thế nguy hiểm, cấp bách khiến dư luận và những người yêu chuộng hòa bình hết sức lo ngại. Dấn tiếp bước nữa là Trung Quốc coi như đã dồn Việt Nam, Philipines vào chân tường. Xung đột quân sự, chiến tranh sẽ chắc chắn nổ ra. Liệu Trung Quốc có dám mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh trên biển với Việt Nam lúc này không? Quan sát, theo dõi kỹ tình hình, diễn biến gần đây chúng ta thấy có vẻ như sự nguy hiểm đang ở mức hành vi. Hàng hải Biển Đông vẫn an toàn… Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và hô hào quân sự hóa Tam Sa; “Mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí” trong EEZ của Việt Nam…tuy tính chất thì rất nghiêm trọng, nhưng mức độ cũng mới chỉ lời nói. Nếu như Trung Quốc phản ứng trước hành động của Nhật khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Sekaku rằng, “Cho Nhật bản muốn nói gì thì nói, quần đảo này cũng thuộc Trung Quốc” thì Việt Nam cũng vậy thôi. Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và vi phạm UNCLOS. Trung Quốc nói gì thì nói, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam như điều 1 Luật biển Việt Nam và thềm lục địa, EEZ 200 hải lý thuộc Việt Nam như UNCLOS quy định. Trung Quốc hùng hổ tổ chức 30 tàu cá tiến ra khai thác ở Trường Sa…Rõ ràng, mục đích của họ là không phải đánh cá mà chủ yếu là khẳng định và hợp lý hóa chủ quyền (bành trướng) trong yêu sách đường “lưỡi bò”. Có một thực tế mà chúng ta nên hiểu và bình tĩnh, tránh quá khích, rằng, chúng ta có thể coi các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc dạng không có “kinh tế riêng…” nên chỉ có lãnh hải mà không có EEZ. Như vậy, quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn có khu vực không thuộc EEZ của Việt Nam và lãnh hải của Trường Sa và do vậy, 30 hay 100 tàu đánh cá của họ có quyền đánh bắt tự do mà chúng ta không quan tâm. Một thực tế nữa là Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do vậy, đương nhiên, bất cứ hành động nào của Trung Quốc liên quan đến nó là vi phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Chúng ta đòi lại bằng biện pháp hòa bình, cho nên không thể ngày một ngày hai là công cuộc hoàn thành, bởi vậy, trước mắt, chúng ta phải chấp nhận thực trạng này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng, mấu chốt ở đây là Việt Nam, cũng như Philipines phải theo dõi chặt chẽ khu vực đánh cá của 30 tàu này ở đâu?(Báo chí đăng tin đầy nhưng chưa rõ khu vực thuộc EEZ của Việt Nam hay Philipines). Nếu trong khu EEZ của Việt Nam thì kiên quyết, không khoan nhượng, dùng Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng trên biển khác như biên phòng, kiểm ngư nhắc nhở, đuổi ra khỏi khu vực và khi cần thiết phải trấn áp bằng bạo lực như Nga đã từng làm mới đây với tàu cá Trung Quốc. Nếu ngoài EEZ của ta nhưng trong vùng đảo Chữ Thập thì chúng ta vẫn phản đối và theo dõi chặt chẽ, nhưng phải chấp nhận thực trạng trên, không và chưa cần thiết làm tăng thêm căng thẳng trên Biển Đông trước phản ứng của nước lớn với Luật biển Việt Nam. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan, hiểu mình, hiểu người mà đôi bên cùng chấp nhận được. Việc Trung Quốc có hung hăng cho tàu cá tràn vào EEZ của Việt Nam, khiêu khích, tạo cớ gây xung đột hay gì đi nữa hay không là cách gây hấn của họ. Việc Trung Quốc ngang ngược, bất chấp, cho dàn khoan tiến về 09 lô dầu khí trong EEZ của Việt Nam khai thác hay không là cách làm của họ. Chỉ biết rằng, vì những thứ đó-chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà dân tộc Việt Nam không tiếc một thứ gì, không sợ bất cứ ai và đã rất nhiều lần dạy cho quân xâm lược những bài học đích đáng. Tượng người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã có ở Trường Sa. Mắt Người hiên ngang nhìn thẳng ra biển khơi, tay cầm sách và một tay hờ lên đốc kiếm nhắc nhở cháu con rằng; “Phải bình tĩnh, sáng suốt, nhìn xa trông rộng để làm chủ tình hình”, nhưng tay Người vẫn chỉ để hờ trên đốc kiếm bởi Việt Nam không phải là kẻ hiếu chiến, ưa dùng dao kiếm mà chỉ “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn”. Việt Nam quý trọng hòa bình hữu nghị hơn ai hết và chỉ rút kiếm khi phải bảo vệ biên cương Tổ quốc bị xâm lăng. (Nguồn :: Báo Phụ Nữ VN) |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét