>> Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương

Có một thực tế không chối cãi trong phát biểu của tướng La Viện: Trung Quốc đang lẹt đẹt sau Ấn Độ và Nhật Bản trong lĩnh vực tàu sân bay và khoảng cách này là từ xa đến... rất xa.

>> Bí mật thiết kế tàu sân bay Nga trong tương lai (Phần 1)
>> Với Hải quân Nhật, TSB Trung Quốc chỉ là "quan tài sắt" ?



http://nghiadx.blogspot.com
Ngày tàn của tàu sân bay Hosho (Ảnh tư liệu)

Ngày 10-8, Tân Hoa xã đưa tin tàu sân bay Thi Lang mà Trung Quốc mua lại của Ukraine đã chính thức đưa vào chạy thử.

Nhưng trước đó, AFP đã trích phát biểu của tướng La Viện trên Beijing News: “Cả Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có ba tàu sân bay vào năm 2014, nên Trung Quốc cũng không thể có ít hơn ba tàu sân bay”. Tàu sân bay “quý báu” như thế nào mà thiên hạ phải tranh nhau để có?

Hải quân Ấn: 50 năm chiến đấu với tàu sân bay

Hải quân Ấn đã sử dụng tàu sân bay từ 50 năm trước (tháng 3-1961) với chiếc INS Vikrant (INS: India Navy Ship, tàu hải quân Ấn) mua lại của hải quân Anh! Đây là một tàu sân bay hạng nhẹ (19.500 tấn), chuyên trị tàu ngầm, có tầm hoạt động 12.000 hải lý với vận tốc 14 hải lý/giờ.

Mười năm sau ngày gia nhập hải quân Ấn, chiếc INS Vikrant tham gia cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971, từng được xem là đã đánh đắm chiếc tàu ngầm PNS Ghazi (PNS: Pakistan Navy Ship, tàu hải quân Pakistan) vốn có nhiệm vụ theo dõi và đánh chìm chiếc Vikrant. Sau 36 năm chinh chiến, chiếc Vikrant được cho “giải ngũ” từ năm 1997, cách đây 14 năm, nay trở thành một bảo tàng nổi ở cảng Mumbai.

Sau chiếc INS Vikrant là chiếc INS Viraat, mua lại của hải quân Anh, được biến cải thành tàu sân bay chuyên chở loại máy bay chiến đấu lên thẳng (VSTOL) và tham gia hải quân Ấn từ năm 1987. Với 21 chiếc phản lực lên thẳng, chiếc INS Viraat, tuy cũng là một tàu sân bay hạng nhẹ (chỉ 28.700 tấn), song đã trở thành một quả đấm thép trên biển. Sau chiếc Viraat duy nhất đang sử dụng, hải quân Ấn Độ nghĩ đến một thế hệ tàu sân bay mới, cũng hạng nhẹ, song được trang bị chiến đấu cơ Mig-29.

Có thể nói, hải quân Ấn Độ đã có đến 50 năm sử dụng tàu sân bay, tức phi công của hải quân Ấn Độ ít nhất cũng đã có 50 năm kinh nghiệm hải hành và hải chiến với tàu sân bay, trong khi phi công hải quân Trung Quốc nay vẫn đang tập hạ/cất cánh trên tàu sân bay, bắt đầu là từ sân thượng một tòa nhà giả làm boong tàu... Ít nhất, hải quân Ấn cũng đã có được một số kinh nghiệm chiến trường, đặc biệt có khoảng thời gian mười năm cùng lúc có trong tay hai tàu sân bay để thao dượt tác chiến theo đội hình tấn công của một hải đội gồm hai tàu sân bay làm nòng cốt với đầy đủ tàu tùy tùng trên mặt nước và dưới nước.

Điều động hai tàu sân bay cùng mấy mươi chiếc máy bay trên đó cất/hạ cánh sao cho đừng giây phút nào rơi vào thế bị động, máy bay cạn xăng phải bỏ cuộc bay về tàu hạ cánh hoặc còn kẹt lấy nhiên liệu phải nằm chết gí trong khoang tàu chịu trận mưa bom và thủy lôi của quân địch, chính là bài học tan xương nát thịt của hải quân Nhật Bản năm 1942 ở trận Midway.

Điều lớn nhất mà Trung Quốc có thể rút ra được từ kinh nghiệm của Ấn Độ là: có thể sử dụng tàu sân bay trong chiến tranh với lân quốc như là một lực lượng tham gia tấn công hoặc săn tàu ngầm đối phương như đã từng thấy trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971. Đó là nỗi thèm khát thứ nhất!

Nhật Bản: 100 năm tàu sân bay

Tháng 9-1914, chiếc tàu vận tải Wakamiya được hải quân Nhật biến cải thành tàu sân bay đầu tiên trên thế giới, đã tung bốn chiếc máy bay chong chóng Maurice Farman từ vịnh Kiaochow (Trung Quốc) bay vào tấn công một số mục tiêu của quân Đức tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, cùng các tàu của Đức ở vịnh Qiaozhou.

Suốt từ ngày 5-9 đến 6-11 năm ấy, bốn chiếc máy bay này đã “làm mưa làm gió” trên vịnh này. Thật ra chiếc Wakamiya chưa phải là tàu sân bay đúng nghĩa mà chỉ làm nhiệm vụ chở máy bay, hai chiếc trong hầm tàu, hai chiếc trên boong. Khi cần cho máy bay xuất kích thì dùng cần cẩu trên tàu đưa máy bay xuống biển, thủy phi cơ cứ thế mà cất cánh; chuyến về thì ngược lại.

Hải quân Nhật sớm đóng và hạ thủy chiếc tàu sân bay thật sự đầu tiên là chiếc Hosho chỉ bảy năm sau đó (ngày 13-11-1921). Nếu Trung Quốc giải thích chiếc Thi Lang đầu tiên của họ là tàu huấn luyện và thử nghiệm, thì chiếc Hosho chính là để thử nghiệm và huấn luyện cất/hạ cánh mở đường cho mọi trường phái hải quân dựa trên tàu sân bay.

Sau ba năm trời ngày ngày chứng kiến bao vụ cất/hạ cánh và được các phi công góp ý, boong tàu Hosho và đường băng được sửa đổi để việc cất/hạ cánh trở nên hoàn hảo. Thành ra, nói rằng chính người Nhật đã khai sinh tàu sân bay cả trong khái niệm (chiến tranh) và vật thể (tàu sân bay) là không ngoa.

Chiếc Lexus mà ngày nay khối người trầm trồ chẳng là “cái đinh” gì so với những con quái vật trên biển nặng đến 20.000 tấn hoặc hơn như chiếc Hosho cùng những chiếc máy bay cất cánh từ cái boong tàu dài không đầy 200m! Nội những cái thang máy khổng lồ, từ hai hầm chở máy bay của chiếc Hosho lên đến boong, khối nền kỹ nghệ cơ khí trên thế giới này nằm mơ cũng chưa sản xuất nổi!

Nỗi hận Thượng Hải

Thật ra người Anh, đế quốc trên biển của thế kỷ 19, đã nghĩ ra việc đóng tàu sân bay, song chiếc Hermes của hải quân Anh ra đời sau chiếc Hosho. Sau mười năm thử nghiệm, chỉnh sửa, rèn luyện, đến tháng 2-1932 chiếc Hosho được phái đến Thượng Hải với nhiệm vụ là bảo vệ 7.000 quân Nhật đang bị lộ quân 19 của Tưởng thống chế bao vây, trong khi chờ đợi lữ đoàn 24 và sư đoàn 9 bộ binh đến tiếp cứu vào giữa tháng 2.

Cùng tham gia trận Thượng Hải này còn có một chiếc tàu sân bay khác, chiếc Kaga. Sự kiện hai chiếc tàu sân bay Kaga và Hosho đánh vào Thượng Hải sẽ hằn sâu vào trong bộ nhớ phục thù của người Trung Quốc.

Chi tiết hai chiếc tàu sân bay Hosho và Kaga tham gia trận Thượng Hải (còn gọi là chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất) rất đáng lưu ý. Vào năm 1932 đó, thậm chí trước đó, hải quân Nhật đã hình thành được sư đoàn tàu sân bay số 1 của mình, với đầy đủ chức năng được xác định rõ ràng và được thao dượt các kỹ thuật tác chiến bảo vệ hạm đội, tham gia tấn công trên biển và trên bộ.

Vào đầu thập niên 1920, hải quân Nhật Bản đã được xếp thứ ba thế giới, sau hải quân hoàng gia Anh và hải quân Mỹ.

Lịch sử đã ghi lại rằng ngày 5-2-1932 ba chiếc máy bay chiến đấu phóng đi từ tàu Hosho đã hộ tống cho hai máy bay phóng pháo (ném bom) lao xuống Thượng Hải, bất chấp nỗ lực cản trở của chín chiếc máy bay của không quân Tưởng Giới Thạch. Bất chấp ưu thế số đông, không quân Tưởng Giới Thạch đã chịu mất một máy bay trong cuộc không chiến này. Hai hôm sau, cả chiếc Hosho và chiếc Kaga cùng tung máy bay tấn công sân bay Kunda để hỗ trợ bộ binh Nhật tấn công vào đây. Trong những ngày từ 23 đến 26-2, máy bay của hai chiếc này còn tấn công các sân bay Hàng Châu và Tô Châu, phá hủy một số máy bay đối phương. Ngày 26-2, sáu máy bay chiến đấu của tàu Hosho hộ tống chín máy bay phóng pháo của tàu Kaga bị năm chiếc máy bay của không quân Tưởng Giới Thạch chặn đánh, đã bắn hạ hai chiếc.

Sự cố Thượng Hải kết thúc chín ngày sau đó bằng một cuộc ngưng bắn mà phần thiệt hại nghiêng về phía người Trung Quốc. Và 80 năm sau, nay người Trung Quốc mới chỉ bắt đầu “nghịch” tàu sân bay với chiếc Thi Lang mua lại “ve chai”!

(Nguồn :: VIETNAMDEFENCE)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét