>> Top 10 trực thăng hàng đầu thế giới (Kỳ 1)
Military Channel mới đây đã công bố bảng xếp hạng 10 trực thăng hàng đầu thế giới, trong đó có các trực thăng từng tham chiến tại Việt Nam. Lần đầu tiên có mặt trên các chiến trường trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, máy bay trực thăng đã thực sự làm thay đổi chiến thuật quân sự. Hiện nay, trực thăng đang được sử dụng một cách phổ biến trong quân đội hầu hết các nước trên thế giới. Nó là một thành phần rất quan trọng của lực lượng Không quân nói riêng và quân đội nói chung: vừa là loại máy bay vận tải thuận tiện vừa là loại máy bay chiến đấu rất hiệu quả, nhất là trong các nhiệm vụ đổ bộ đường không, tấn công cơ động, thọc sâu và yểm trợ, tấn công mặt đất. Mới đây, Kênh Military thuộc Hãng truyền thông Discovery của Mỹ - một kênh truyền hình mới dành cho quân đội đã đưa ra một ma trận gồm các điểm như mức độ hoàn thiện kỹ thuật thiết kế, số lượng sản xuất, tính năng kỹ chiến thuật, hiệu quả sử dụng, lịch sử chiến đấu, xu hướng phát triển…để xếp hạng 10 trực thăng hàng đầu thế giới. Trực thăng Mi-26 của Nga Như bất kỳ kênh truyền hình quân sự nào, việc đánh giá này chỉ mang tính tương đối. Một điều dễ gây ra tranh cãi ở đây là làm thế nào để có thể so sánh được giữa trực thăng vận tải và trực thăng tấn công? Theo các chuyên gia của Military Channel, sự khác biệt trong cấu trúc của các loại trục thăng này là không đáng kể. Chúng đều là những trực thăng đa năng, vừa có thể vận chuyển, vừa có thể tham gia hỗ trợ chiến đấ và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Dưới đây là bảng xếp hạng 10 trực thăng hàng đầu thế giới theo đánh giá của Military Channel. 10. “Khổng lồ” Mi-26 của Nga Mil Mi-26 (định danh NATO Halo) là một máy bay trực thăng vận tải hạng nặng của Liên Xô/Nga hoạt động trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự. Đây là chiếc máy bay trực thăng nặng nhất và mạnh nhất từng được chế tạo. Trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 Chuyến bay đầu tiên - 1977 Số lượng sản xuất: 310 chiếc Tải trọng: 20 tấn hàng hoặc 80 lính Mi-26 được thiết kế để sử dụng trong quân sự và dân sự với dự định tạo cho nó khả năng nâng lớn hơn bất kỳ một loại máy bay trực thăng nào từng có trước đó. Chiếc Mi-26 đầu tiên cất cánh ngày 14 tháng 12 năm 1977 và lần đầu tiên phục vụ trong quân đội Xô viết năm 1983. Mi-26 là chiếc trực thăng đầu tiên sử dụng cánh quạt tám lá. Nó có thể tiếp tục hoạt động với một động cơ khi động cơ kia hỏng (tuỳ thuộc vào trọng lượng bay). 9. “Thiên Miêu” Westland Lynx Xếp ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng những trực thăng hàng đầu thế giới của Military Channel là vua tốc độ của các trực thăng Westland Lynx – một trực thăng đa năng của Anh. Trực thăng Westland Lynx Số lượng: 400 chiếc Tải trọng: 750 kg hoặc 10 binh lính. Tốc độ: 306 km/h. Vũ khí: 2 ngư lôi, hoặc 4 tên lửa Sea scua, hoặc 2 tên lửa chống tàu ngầm, 2 khẩu pháo cỡ đạn 20mm, 2 tên lửa 70mm CRV7 và 8 tên lửa dẫn đường chống tăng TOW. Sự xuất hiện của Lynx không thật sự quá ấn tượng. Nó không “hung hãn” như Apache của Mỹ và cũng không “hầm hố” như Mi-24 của Nga. Nhưng nó là sự kết hợp hoàn hảo của trực thăng dân sự và trực thăng quân sự - một trong những xu hướng phổ biến nhất trong việc phát triển máy bay trực thăng hiện đại trên thế giới. Lynx từng tham gia trong cuộc chiến tranh Falklands - cuộc xung đột hải quân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Với sự tham chiến của Lynx, Hải quân Hoàng gia Anh đã đánh chìm các tàu tuần tra của Argentina bằng tên lửa đối hạm Sea Scua. Trong lịch sử hơn bốn mươi năm hoạt động của mình, Lynx đã tham chiến ở rất nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là tại khu vực Balkan, nơi mà nó đã giúp quân đội Anh và đồng minh phong tỏa bờ biển của Nam Tư, phá hủy các tàu quét lôi T-43 và 4 tàu tàu tên lửa của đối phương trong chiến tranh Iraq vào mùa đông năm 1991. Năm 1986, máy bay Lynx đã lập kỉ lục về tốc độ bay của trực thăng mà đến bây giờ vẫn chưa máy bay nào phá nổi - 400.8 km/h. Nó được mệnh danh là vua tốc độ của các loại trực thăng. 8. “Tàu bay” CH-47 Chinook CH-47 Chinook là máy bay trực thăng vận tải hạng nặng đa năng 2 động cơ 2 cánh quạt do Boeing Integrated Defense Systems thiết kế và chế tạo. Công năng thiết kế của máy bay này là chuyển quân, chuyển vũ khí hạng nặng và hỗ trợ hậu cần cho chiến trường. Boeing CH-47 Chinook Chuyến bay đầu tiên - 1961 Số lượng sản xuất: 1179 chiếc. Trọng tải: 22,7 tấn hoặc 55 binh lính. Vũ khí: 2 khẩu súng 6 nòng xoay M134 và 1 súng máy M60. Một trong những tiêu chí quan trọng của quân đội hiện đại đó là tính cơ động. Nếu như việc vận chuyển hàng hóa hay binh linh đến các nơi trên khắp thế giới là nhiệm vụ của máy bay vận tải nói chung, thì trực thăng là “cỗ máy” thực hiện nhiệm vụ đó một cách trực tiếp trên chiến trường. Trực thăng CH-47 Chinook đã được quân đội Mỹ cho tham chiến lần đầu tiên tại Việt Nam – nơi có địa hình đồi núi trập trùng và khí hậu khắc nghiệt. Năm 1965, Sư đoàn Kỵ binh Bay số 1 của Hoa Kỳ sang Việt Nam tham chiến đã biên chế 1 tiểu đoàn máy bay Chinook. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chinook trong Chiến tranh Việt Nam là vận chuyển pháo lên các điểm cao và đảm bảo cung cấp đạn dược cho các khẩu pháo này. Được mệnh danh là huyền thoại siêu tải của Không quân Mỹ, CH-47 Chinook quả thực là một trực thăng vận tải tuyệt vời. Ngoài ra, người ta còn biết đến Chinook nhiều hơn bởi nó “rất dị”. Không chỉ là một vận tải cơ có thể chở gấp đôi số lượng binh lính qui định, CH-47 còn là một oanh tạc cơ, một xe kéo pháo chuyên dụng. Trong Chiến tranh Việt Nam, Chinook đã thực hiện hơn 100 lần hạ cánh khẩn cấp, kịp thời sơ tán hơn 1.000 xe chiến đấu của Mỹ trị giá tới 3 tỷ đôla. Hiện tại, trực thăng CH-47 Chinook vẫn đang được quân đội Mỹ trọng dụng và tham gia nhiều hoạt động trên khắp thế giới. 7. “Hổ mang chúa” Cobra Xếp ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng của Military Channel là trực thăng tấn công Bell AH-1 Cobra của Hoa Kỳ. Trực thăng Bell AH-1 Cobra Chuyến bay đầu tiên - 1965 Số lượng sản xuất: 1.116 chiếc Vũ khí: 2 khẩu súng 6 nòng xoay Minigun, 4 giá treo vũ khí có thể gắn súng máy, tên lửa không đối không, pháo phản lực không điều khiển 70 mm, tên lửa chống tăng TOW. AH-1 Cobra là loại máy bay đa nhiệm vụ hai cánh quạt một động cơ do công ty sản xuất máy bay Bell (Bell Helicopter) chế tạo và từng là máy bay trực thăng chiến đấu chủ lực của quân đội Hoa Kỳ. Trực thăng AH-1 đã trở thành trực thăng đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho mục đích tấn công. Buồng lái của phi công được bảo vệ bởi áo giáp composite. Cobra có thể làm việc trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Cho đến nay, “Hổ mang chúa” đã được hiện đại hóa nhiều lần và đưa vào phục vụ trong Lục quân Hoa Kỳ. Do có trọng lượng nhẹ, kích thước nhỏ gọn và tính năng tuyệt vời nên Cobra còn được trang bị trên các tàu tấn công đổ bộ và tàu sân bay. AH-1 được sử dụng lần đầu tiên bởi quân đội Mỹ trong Sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 cho đến cuối chiến tranh Việt Nam. AH-1 hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng chiến đấu trên mặt đất, hộ tống máy bay trực thăng vận tải và nhiều vai trò khác, bao gồm cả pháo tên lửa trên không. Trong tổng số 1.110 chiếc AH-1 tham chiến từ 1967 đến 1973, có khoảng 300 chiếc bị bắn hạ hoặc bị tai nạn trong cuộc chiến. 6. “Xe tăng bay” Mi-24 Được các phi công Xô Viết gọi với cái tên thân mật “Xe tăng bay”, trực thăng Mi-24 bước vào vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng của Military Channel với tư cách là trực thăng chiến đấu chở quân được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Đây là loại trực thăng được trang bị vũ khí hạng nặng kèm theo một chút chức năng vận chuyển. Trực thăng Mi-24 Định danh NATO - Hind Chuyến bay đầu tiên - 1969 Số lượng sản xuất: 2.000 chiếc Tải trọng: 12 tấn hoặc 8 binh lính. Vũ khí: 4 súng máy 12,7 mm, các giá treo vũ khí có thể gắn pháo phản lực không điều khiển cỡ nòng từ 57 đến 240 mm, tên lửa chống tăng Phalang . Nếu mang đầy đủ vũ khí, trực thăng Mi-24 giống như một tác phẩm nghệ thuật vô cùng hoành tráng ở trên không. Thực tế, Mi-24 là một loại trực thăng lai. Nó không thể cất cánh thẳng đứng như các trực thăng thông thường và cần có một đường băng ngắn (khoảng 100 đến 150) để có thể đưa “chiếc xe tăng” hơn 8 tấn này bay lên không trung. Ngoài cái tên thân mật “xe tăng bay”, Mi-24 còn được gọi với cái tên “Cá sấu” vì hình dạng ngụy trang và thân của máy bay được thiết kế giống con cá sấu đang bơi. Với tốc độ tối đa lên tới 320 km/h, “Cá sấu” Mi-24 là một trong những máy bay trực thăng “bơi” nhanh nhất thế giới. Về khả năng tác chiến, Mi-24 đã tham gia chiến đấu trong các hẻm núi Caucasus và Pamir, trên sa mạc châu Phi và rừng nhiệt đới châu Á. Tuy nhiên, nó lại được biết đến nhiều nhất và trở thành biểu tượng trong cuộc Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan (1979-1989). Chiến tranh Việt Nam, loại Mi-24A đã được Không quân Nhân dân Việt Nam sử dụng rất phổ biến. Mi-24 đã tiêu diệt nhiều căn cứ và tiền đồn Khmer Đỏ cho tới tận năm 1986 khi các lực lượng Khmer bị đẩy lùi tới biên giới Thái Lan. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét