>> Người Kurd : Chiêu bài mới để Mỹ gây sức ép lên Iraq
Quan hệ giữa người Kurd và chính quyền ở Bagdad đang trải qua khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ thời Saddam Husein. Thủ lĩnh Kurdistan ở Iraq Masud Barzani kết tội thủ tướng Nuri al–Maliki định phục hồi chế độ độc tài và cảnh báo: điều này sẽ dẫn đất nước đến thảm hoạ. Theo Masud Barzani, thủ tướng Iraq Nuri al–Maliki định độc chiếm chính quyền và chuẩn bị cơ sở để quay lại chế độ độc tài. Lãnh tụ người Kurd bày tỏ sự phẫn nộ trước việc người đứng đầu chính phủ thực tế đã trực tiếp nắm tất cả các cơ cấu tổ chức vũ lực – Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và các ngành đặc biệt (tình báo, phản gián, an ninh). Trong tình hình đó, ngài Barzani có kế hoạch triệu tập khẩn cấp hội nghị toàn quốc với sự tham gia của thủ lĩnh tất cả ba cộng đồng chủ yếu – người Shiitee (đại diện là thủ tướng Nuri al–Maliki), người Sunnit và người Kurd. Bản đồ phân bố người Kurd ở Iraq. Đường mầu đỏ: Biên giới chính thức cho Kurdistan ở Iraq Đường mầu hồng: Biên giới người Kurd đòi. 1. Màu đỏ là khu vực sinh sống của người Kurd. 2. Màu vàng là khu vực sinh sống của người Arab Sunnit 3. Màu xanh lá mạ là khu vực sinh sống của người Arab Shiitee Nếu tình hình không thay đổi, ngài Barzani hứa sẽ tiến hành trưng cầu dân ý tại khu vực người Kurd sinh sống ở Iraq – đó là việc tách các vùng giàu dầu mỏ ở phía Bắc. Sự căng lên của vấn đề người Kurd ở Iraq có thể làm bùng nổ tình hình ở các nước láng giềng – Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran. Ông Masud Barzani đã đưa ra lời đe doạ ngay sau khi trở về từ Mỹ, nơi ông đã hội đàm với Barak Obama. Dù người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ sự thống nhất của Iraq, nhưng khó tin được là lãnh tụ người Kurd, người có truyền thống dựa vào sự ủng hộ của Mỹ lại không thông báo cho Tổng thống Mỹ về kế hoạch của mình. Họp bàn khả năng tách khỏi Iraq? Trở lại với kế hoạch của ông Barzani, mục đích cuộc gặp – “thông qua các biện pháp triệt để có thể cho phép đất nước vượt qua khủng hoảng chính trị gay gắt nhất”. Nếu ngài al–Maliki coi thường đại hội, ông Masud Barzani sẽ từ chối thừa nhận ông là thủ tướng hợp pháp. Bước tiếp theo sẽ là trưng cầu dân ý tại Kurdistan ở Iraq. “Đây không phải là doạ dẫm, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ đồng ý chế độ độc tài quay trở lại, bất kể chúng tôi phải trả giá thế nào đi nữa”– ngài Barzani cảnh báo. Ông không nói thẳng đến việc có thể tách khỏi Iraq, song các chuyên gia tin chắc rằng nếu người Kurd tiến hành trưng cầu dân ý, trong chương trình nghị sự chắc chắn là vấn đề này. Khu vực người Kurd ở Iraq thực tế tồn tại như một quốc gia độc lập. Các trụ sở chính thức thậm chí cấm treo cờ Iraq. Đòi hỏi tăng thêm quyền tự trị không có nghĩa gì, hiện nó đã là cao nhất. Bước tiếp theo có thể chỉ là sự tách ra một cách hình thức. Đây sẽ là đòn chí mạng đánh vào Bagdad cả trên phương diện chính trị lẫn kinh tế. Các khu vực người Kurd khai thác tới 60% dầu mỏ của Iraq. Ngoài ra, một số tỉnh (ví dụ, vùng ngoại vi thành phố Kirkuk giàu dầu mỏ) được coi là vùng tranh chấp – ở đó có cả người Kurd, cả người Arab, cả người Turkoman sinh sống. Nếu người Kurd tách ra, tại đây có thể bùng nổ xung đột sắc tộc. Sẽ không đơn giản đối với Nuri al–Maliki nếu ông định giải quyết vấn đề li khai của người Kurd bằng biện pháp quân sự. Người Kurd có các đơn vị vũ trang của mình, họ đã thử lửa từ thời Saddam Husein. Họ đủ sức chống trả quân đội Iraq đang bị phân hoá bởi những hiềm khích giữa những người Shiitee và Sunnit. Vai trò của Mỹ Mỹ từ lâu được coi là trở ngại chủ yếu trên đường giành độc lập của người Kurd. Sự chia rẽ Iraq, nơi trước đây không lâu đã có các đơn vị quân đội Mỹ không có lợi cho Washington. Ngoài ra, việc tách Kurdistan ở Iraq có thể gây ra khủng hoảng nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh NATO của Wahsington: đã 30 năm nay Ankara chiến đấu với những người Kurd li khai. Nhưng gần đây Mỹ đã thấy không ít nguyên nhân phải điều chỉnh quan điểm của mình. Ông Nuri al–Maliki càng ngày càng hành xử không phải như đồng minh, mà như một thủ lĩnh độc đoán khó dự báo không muốn để ý đến Washington. Điều này thể hiện cả trong việc thủ tướng Iraq giữ quan hệ chặt chẽ với những người Shiitee cùng tín ngưỡng ở Teheran, cả trong lập trường đặc biệt mà ông này có trong vấn đề Syria. Và ngay ở chính Iraq, theo nhiều chuyên gia, ngài al–Maliki thực hiện một chính sách nguy hiểm – ông thực tế khiêu khích xung đột giữa những người Shiite và Sunnit cực đoan, công khai coi thường các đảng thế tục và tự do, loại họ ra khỏi đời sống chính trị. Theo một giả thuyết, Mỹ muốn sử dụng vấn đề người Kurd như một đòn bảy gây áp lực lên thủ tướng Iraq, buộc ông phải nhượng bộ trong vấn đề Iran và Syria. Phương án cực đoan – Kurdistan độc lập ở Iraq không có trong kế hoạch của Mỹ, nhưng chỉ đến lúc Mỹ còn chặn được “những nỗ lực li khai” của ngài Barzani và các chiến hữu của ông. Theo giả thuyết khác, Mỹ gửi tín hiệu không chỉ cho Bagdad, mà cho cả Ankara. Chuyên gia – nhà đông phương học Aleksandr Voronkov nói với Kommersant: “Người Mỹ không hài lòng lắm với lập trường của thủ tướng Taiip Erdogan đối với Iran. Washington không tin chắc là trong trường hợp đánh vào các mục tiêu hạt nhân của Iran, họ có thể nhận được sự ủng hộ của Ankara. Còn một lý do nữa cho sự không hài lòng – xung đột của Erdogan với Israel, đồng minh chủ yếu của Mỹ ở khu vực. Chơi con bài Kurd, người Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng họ đang mạo hiểm như thế nào khi thực hiện một chính sách quá độc lập”. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét